Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, sinh ngày 09/7/1912, trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn (nay là khu phố Phù Khê, phường Phù Khê, tỉnh Bắc Ninh). Đồng chí tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh. Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3/1938, được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng...
Nhân kỷ niệm 113 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912-09/7/2025), sáng ngày 09/7/2025, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân khu vực 7 - tỉnh Bắc Ninh do đồng chí Đoàn Xuân Chanh - Viện trưởng làm Trưởng đoàn, cùng tập thể các đồng chí Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên đã tới dâng hương tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tại khu phố Phù Khê, phường Phù Khê, tỉnh Bắc Ninh.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn (nay là khu phố Phù Khê, phường Phù Khê, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1928, đồng chí được kết nạp và tham gia hoạt động cách mạng trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và năm 1929 được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử là đại diện Xứ ủy giúp việc liên lạc và chỉ đạo Đặc khu ủy vùng mỏ. Tháng 02/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị kết án “phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo từ năm 1931 đến năm 1936. Cuối năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia thành lập “Ủy ban sáng kiến” - cơ quan có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ; sau đó tham gia tái lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ (3/1937) và được cử là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Tại Hội nghị Trung ương Đảng (mở rộng) năm 1937, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và đến Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi mới chưa đầy 26 tuổi.
Trên phương diện đấu tranh củng cố nội bộ, tháng 6/1939, với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”. Đây là một văn kiện lý luận quan trọng về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ngày 18/1/1940, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra (23/11/1940), đồng chí bị thực dân Pháp buộc tội chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa và ngày 28/8/1941, đồng chí đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.
Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Kỷ niệm 113 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là dịp tưởng nhớ cuộc đời cách mạng vẻ vang, cao đẹp, tri ân những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, cán bộ, công chức, người lao động Viện kiểm sát nhân dân khu vực 7 - tỉnh Bắc Ninh quyết tâm, kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối trao truyền lại, đoàn kết chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2025); ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2025) và 65 năm ngày thành lập Ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2025)./.
Một số hình ảnh tại buổi dâng hương:
Dương Minh Quang- Viện kiểm sát nhân dân khu vực 7 - Bắc Ninh