Tháng 7- khi những cơn mưa mùa hạ dịu lại cũng là lúc ngành Kiểm sát nhân dân cả nước hân hoan kỉ niệm ngày truyền thống (26/7), một mốc son đánh dấu sự ra đời và phát triển của ngành. Tháng 7 không chỉ là niềm tự hào mà còn là tháng tri ân, tháng nhắc nhở về những con người thầm lặng cống hiến trong màu áo thiên thanh giản dị. Với tôi, tháng 7 còn mang một ý nghĩa rất riêng – tháng của kí ức, của lòng biết ơn dành cho người cha cũng là người thầy đầu tiên truyền cho tôi tình yêu nghề kiểm sát một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc nhất.
Tôi luôn tự hào khi nói rằng: bố tôi là một kiểm sát viên. Một công việc có lẽ ít người thật sự hiểu rõ, nhưng với tôi đó là biểu tượng của sự chính trực và hy sinh thầm lặng. Từ khi còn nhỏ, tôi đã quen với những bữa cơm vắng bố, những lần bố rời khỏi nhà khi trời còn tối mờ và trở về khi mọi người đã say giấc. Một tuần tôi và bố chỉ gặp nhau trọn vẹn có mấy tiếng. Có những đêm, chuông điện thoại reo lên giữa khuya, bố chỉ kịp khoác vội chiếc áo ngành màu áo thiên thanh bình dị rồi rời đi trong im lặng. Màu áo xanh đó đã luôn trong tâm trí tôi từ khi còn bé. Trong suốt tuổi thơ, tôi lớn lên trong bóng dáng của một người cán bộ kiểm sát cần mẫn, lặng lẽ và tràn đầy trách nhiệm. Nhưng trong mắt tôi, bố chỉ đơn giản là người hay đi sớm về muộn, ít khi ăn cơm tối cùng cả nhà, thỉnh thoảng có những đêm trầm tư thức trắng. Đôi khi đêm tỉnh dậy, tôi nhìn phía sau bóng lưng ấy, dưới ánh đèn bàn bố vẫn trầm lặng nghiên cứu hồ sơ. Nhiều lúc áp lực công việc, bố trở về nhà mệt mỏi, những nếp nhăn trên trán hiện rõ hơn qua từng năm tháng, nhưng chưa bao giờ nghe bố than phiền hay bỏ cuộc. Lúc đó tôi chưa hiểu vì sao bố lại bận rộn đến vậy. Sau này khi đã trở thành cán bộ ngành kiểm sát, tôi mới biết: Đằng sau những bộ hồ sơ tưởng chừng khô khan là cả những cuộc đời, số phận và đôi khi là những lựa chọn rất khó khăn. Bố chưa bao giờ nói: “Hãy làm kiểm sát như bố”, nhưng có lẽ chính sự lặng lẽ, cống hiến và cách bố sống với nghề đã khiến tôi chọn con đường này một cách rất tự nhiên. Bố tôi không cần lớn tiếng để dạy tôi về lý tưởng nhưng chính bố là lý tưởng sống, là lý do để tôi bước vào ngành kiểm sát với một tình yêu nghề thầm lặng nhưng sâu sắc. Áp lực công việc không chỉ đến từ cường độ làm việc mà còn đến từ yêu cầu phải giữ vững nguyên tắc công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Trong môi trường công lý, sự lơ là hay sai sót không được phép xảy ra. Và sau tất cả, khi rời tòa án, cởi bỏ chiếc áo ngành, những người kiểm sát lại trở về với gia đình, là cha, là mẹ, là người thân yêu của ai đó. Như bố tôi – sau những ngày căng thẳng với xử án, khi về nhà vẫn là một người cha giản dị, ân cần, luôn lắng nghe và yêu thương con cái bằng tất cả tấm lòng.
Hôm nay, nhìn lại 10 năm công tác, tôi biết ơn bố người truyền lửa đúng nghĩa. Ngọn lửa ấy không bùng cháy rực rỡ mà âm ỉ và bền bỉ đủ để soi sáng một hành trình dài phía trước của tôi. Bố - người thầy đầu tiên dạy tôi bài học lớn nhất: Làm nghề kiểm sát, trước hết phải làm người tử tế.
Nguyễn Bảo Ngọc – Viện kiểm sát khu vực 6 Bắc Ninh