Hòa chung không khí của đất nước trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, cán bộ, công chức, người lao động ngành Kiểm sát nhân dân đang nỗ lực cố gắng thi đua chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ngành (26/7/1960 - 26/7/2025); năm 2025 cũng là năm kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại như 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây không chỉ là dịp để toàn ngành nhìn lại chặng đường lịch sử đã đi qua với bao thành tựu và gian khó, mà còn là dịp để cán bộ, đảng viên Viện kiểm sát nhân dân khu vực 7 - Bắc Ninh cùng nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức và lý tưởng cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Tư tưởng và đạo đức của đồng chí không chỉ là ánh sáng soi đường cho sự trưởng thành của ngành trong suốt 65 năm qua, mà còn là kim chỉ nam cho đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong hành trình bảo vệ công lý, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngành Kiểm sát nhân dân - Một ngành công tác chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân
Ngay từ khi ra đời theo Hiến pháp năm 1960, ngành Kiểm sát nhân dân đã được xác định là một bộ phận đặc biệt trong hệ thống chính trị của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã đặt nền móng cho ngành Kiểm sát trong tư duy chính trị “ngành Kiểm sát phải là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng, là lá chắn vững chắc bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Đồng chí luôn nhấn mạnh rằng, cán bộ kiểm sát trước tiên phải là những người cộng sản trung thành, tuyệt đối tin tưởng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu lý tưởng, và đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Đồng chí đã thường xuyên chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần cách mạng cho cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân. Ngay từ những năm đầu thành lập Ngành, đồng chí đã xác định:“Ngành Kiểm sát chúng ta là một ngành công tác chính trị, công tác kiểm sát luôn luôn gắn liền với thực tế, với phong trào, với con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã vạch ra…”.Đồng chí luôn coi việc giữ vững vai trò chính trị, vai trò “cánh tay nối dài của Đảng” trong công tác kiểm sát là yếu tố sống còn để bảo vệ Đảng, chế độ, nhân dân và pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Tư tưởng chỉ đạo này không chỉ là kim chỉ nam trong giai đoạn sơ khai của ngành, mà đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và chỉ đạo sâu sắc. Chính vì vậy, trong suốt 65 năm qua, bất kể trong thời chiến hay thời bình, ngành Kiểm sát luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, vững vàng trong các mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động để phục vụ sự nghiệp cách mạng và công cuộc phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao
(khi đồng chí giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Ảnh: Sưu tầm
Người cán bộ kiểm sát phải có đạo đức cách mạng trong sáng như pha lê
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: sống liêm khiết, giản dị, gần gũi, thẳng thắn và quyết liệt đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ cái đúng, cái tốt. Đạo đức của đồng chí được ví như "pha lê" - trong sáng, kiên định, không vẩn đục trước mọi cám dỗ của quyền lực và vật chất. Với đồng chí, “người cán bộ kiểm sát không chỉ cần giỏi nghiệp vụ, mà trước hết phải là người có đạo đức, có phẩm chất cách mạng, có tinh thần “công minh, chính trực, khách quan”. Đó là những tiêu chí hàng đầu để mỗi người cán bộ Kiểm sát thực sự trở thành người bảo vệ công lý, được nhân dân tin yêu, đồng chí tin cậy.
Trong xã hội hiện đại, cán bộ ngành Kiểm sát càng phải kiên định, không để đạo đức nghề nghiệp bị lung lay, phải “giữ mình như giữ ngọc” gìn giữ hình ảnh người cán bộ Kiểm sát “vững về chính trị, giỏi về pháp luật, công minh, chính trực, khách quan, khiêm tốn và trong sáng”. Đứng trước những biến động của xã hội, sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, của chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm.
Muốn làm tốt công tác kiểm sát phải có tri thức khoa học, tư duy đổi mới và tầm nhìn thời đại
Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn đề cao vai trò của tri thức, xem học tập là con đường duy nhất để cán bộ kiểm sát vươn tới sự trưởng thành. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí nhấn mạnh rằng: muốn kiểm sát đúng, kiểm sát hay, kiểm sát hiệu quả thì trước hết người cán bộ phải “giỏi về pháp luật, vững về chính trị, tinh thông nghiệp vụ”. Đó là sự kết hợp giữa lý tưởng cách mạng và tri thức khoa học, giữa đạo đức nghề nghiệp và năng lực thực tiễn.
Tư tưởng đó vẫn mang tính thời sự sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu đặt ra đối với cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền con người, Bộ Chính trị đã ban hành 04 Nghị quyết quan trọng mà theo Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 04 Nghị quyết này là “Bộ tứ trụ cột”, là nền tảng tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, đó là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sang tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”;Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30 tháng 4 năm 2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Các Nghị quyết này không chỉ định hướng sự phát triển chung của đất nước mà còn đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ đối với hệ thống tư pháp, trong đó có ngành Kiểm sát. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên trong Ngành càng cần phải chủ động học tập, bồi dưỡng lý luận, cập nhật pháp luật, nâng cao tư duy phản biện và năng lực phân tích thực tiễn.
Hướng tới kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên Viện kiểm sát nhân dân khu vực 7 - Bắc Ninh luôn tích cực rèn luyện, học tập đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt, đây không chỉ là hoạt động tưởng niệm, tri ân quá khứ, mà còn là cách thiết thực để truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát hôm nay.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân”
65 năm - một hành trình vẻ vang, ghi dấu công lao của biết bao thế hệ cán bộ Kiểm sát, trong đó có tầm vóc, trí tuệ và đạo đức của đồng chí Hoàng Quốc Việt - người Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên, người cộng sản trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân. Trong chặng đường phía trước, ngành Kiểm sát tiếp tục đứng trước nhiều thời cơ và thách thức. Việc học tập, noi theo tư tưởng đạo đức của đồng chí không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần để xây dựng một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ bản lĩnh - trí tuệ - đạo đức đưa ngành Kiểm sát phát triển mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc.
Nguyễn Thị Minh Lý – Viện kiểm sát nhân dân khu vực 7 Bắc Ninh